Góc khuất Bill Gates - thành công Microsoft nhưng mất bạn tri kỷ

Wednesday, 22/07/2020
Đăng bởi Caroline Vietnam

Chẳng ai dám bôi xấu bản lý lịch đẹp về sự nghiệp kinh doanh thành đạt của Bill Gates, ngoại trừ Paul Allen.

Họ từng là bạn chí cốt trong nhiều năm, cùng khởi nghiệp, biến Microsoft thành tập đoàn công nghệ có quy mô toàn cầu cho đến ngày Allen bị chính Gates loại khỏi ban điều hành.

Kể từ đó, Allen luôn giữ trong lòng sự bất mãn với Gates và "nói cho hết một lần" trong tự truyện.

Paul Allen và Bill Gates những ngày đầu ở Microsoft

Bạn bè chí cốt

Paul Allen lần đầu gặp Bill Gates vào mùa thu năm 1968, lúc ông đang là học sinh ở trường dự bị Lakeside. Chỉ có những học sinh tài giỏi nhất, sinh ra trong những gia đình danh giá nhất nước Mỹ mới có thể nhập học tại ngôi trường tư đó.

Ấn tượng ban đầu của Allen về Gates là một cậu em học dưới hai lớp nhưng cực kỳ thông minh. Cậu cũng thích thể hiện cho người khác thấy mình thông minh như thế nào.

"Bill Gates sinh ra trong gia đình thượng lưu, thậm chí còn hơn hẳn phần lớn bạn bè đồng môn" - Allen chia sẻ - "Bố cậu ấy làm Chủ tịch Hội luật sư bang Washington. Tôi còn nhớ cảm giác lần đầu đến nhà Bill Gates chơi. Gọi đấy là ngôi nhà lớn chưa đủ, phải gọi là căn biệt thự đồ sộ nằm giữa khu Lake Washington, thế nên ai mới bước vào cũng có cảm giác vừa kính nể vừa sợ hãi".

Cũng nhờ Paul Allen mà mọi người mới biết Bill Gates nổi máu kinh doanh từ rất sớm. Cha mẹ ông là độc giả ruột của tạp chí kinh doanh Fortune, thế nên Gates say mê đọc nó như một cuốn cẩm nang soi sáng cuộc đời mình.

Một ngày nọ, Gates cầm tờ Fortune số đặc biệt ra hỏi Allen: "Cậu nghĩ điều hành một công ty nằm trong nhóm 500 doanh nghiệp hàng đầu do Fortune bình chọn sẽ như thế nào?".

Gates đã có tham vọng lớn như thế lúc mới là một cậu bé 13 tuổi. Đáp lại Gates, Allen nói mình không biết phải làm thế nào cả, vì ông chỉ đơn giản là cậu nhóc thích học ngôn ngữ lập trình trên máy tính mà thôi.

Thấy bạn mình chẳng có định hướng rõ ràng nào cả, Gates nói sau này, họ nên cân nhắc mở một công ty và biến nó thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Allen không bất ngờ khi biết Gates đỗ Harvard, còn ông tiếp tục ở lại Washington học trường đại học của bang. Sau học kỳ đầu tiên, Gates về than vãn với Allen rằng cậu cảm thấy hóa ra mình không giỏi như đã nghĩ.

Giáo sư dạy Gates môn Toán ở Harvard có bằng tiến sĩ năm 16 tuổi, và ông chỉ được điểm B ở môn học mình tự tin nhất. Allen cũng nói mình chẳng hiểu gì kiến thức ở bậc đại học cả.

Microsoft khiến tình bạn của Allen và Gates không còn được như xưa.

Trở thành cộng sự

Chán nản vì cảm thấy mình không phù hợp giảng đường đại học, lại còn ít được trò chuyện với cậu bạn nối khố vì ở quá xa, Allen bỏ học. Ông chuyển đến làm lập trình viên cho một công ty ở bang Boston. Nơi đó nằm gần trường Harvard của Gates, cả hai có thể gặp nhau trao đổi mỗi dịp cuối tuần. Một ngày nọ, Allen nghĩ ra ý tưởng thành lập công ty có tên "Micro-Soft", rồi thuyết phục Gates bỏ học để cùng khởi nghiệp.

Có chung niềm đam mê với phần mềm, công nghệ, nhưng bản thân Allen và Gates là hai tính cách đối lập nhau. Allen thường cảm thấy khó tập trung một việc nào đó nên ông hay cố tìm tòi mọi thứ mình quan tâm.

Gates thì ngược lại, khi ông đặc biệt giỏi trong khả năng tập trung toàn bộ tâm trí để làm xong một việc. Allen cũng rất ấn tượng với cách Bill Gates lướt sáu ngón tay đánh máy trên những bàn phím cổ lỗ sĩ.

Nếu xét về khả năng lập trình, Gates thua xa Allen cả về tài năng lẫn kinh nghiệm. Những đối tác từng đến văn phòng Microsoft làm việc thời gian đầu đều khẳng định Allen mới có tác phong của ông chủ: Cao lớn, mặc vest, lại còn để râu rậm.

Gates nhìn giống cậu sinh viên thực tập hơn vì mày râu nhẵn nhụi, lúc nào cũng chỉ mặc áo phông ở nơi làm việc. Nhưng điều đó không có nghĩa Gates không quan trọng. Allen xác nhận chính Gates mới là kim chỉ nam cho định hướng kinh doanh của Microsoft.

Allen không nhớ bao nhiêu ý tưởng kinh doanh của ông từng bị Gates dập tắt ngay từ trong trứng nước bằng những câu chê bai: "Muốn làm thế phải thuê cả đống người", "Tốn chi phí lắm, đừng làm nữa", "Nghe đã thấy phức tạp".

Gates chỉ cho Allen thấy nếu muốn kinh doanh ăn nên làm ra, hãy tập trung những thứ mình thực sự giỏi, đó là viết phần mềm. Chỉ vài năm sau đó, công ty cán mốc doanh thu 1 triệu USD. Gates đã đúng, và từ đó tầm ảnh hưởng của ông ngày một lớn hơn.

Đường ai nấy đi

Microsoft càng ăn nên làm ra, Allen càng cảm thấy tình bạn của hai người không còn hồn nhiên, vô tư như trước nữa. Cả hai dần quan tâm, tính toán nhiều hơn đến lợi ích mình có ở một doanh nghiệp triệu đô.

Đến ngày Microsoft có kế hoạch cổ phần hóa, Gates với Allen cò kè bớt một thêm hai về tỷ lệ phần trăm cổ phiếu họ chia chác cho nhau. Allen nghĩ chia 50-50 là ổn, nhưng Gates luôn muốn nhận phần hơn.

"Nếu tôi chỉ nhận 50% thì không công bằng chút nào" - Gates nói - "Lúc chúng ta cùng khởi nghiệp thì cậu còn có lương 12.500 USD mỗi năm còn tôi chẳng có gì cả".

Chiều theo ý bạn, Allen đồng ý chia 60-40 với phần ít hơn về mình. Một thời gian ngắn sau đó, Gates lại tiếp tục phàn nàn: "Tôi làm việc nhiều hơn cậu, lại còn phải bỏ học để đi làm, thế nên 60% là chưa đủ".

Lần này, Allen để bạn tự quyết định xem mình đáng được nhận bao nhiêu cổ phần trong công ty, và Gates chọn 64%. Một con số chi li cặn kẽ đến từng điểm nhỏ và nó khiến Allen cũng cảm thấy ngạc nhiên vì cách tính toán của bạn mình.

Họ vẫn làm chung trong một công ty nhưng Allen dần cảm thấy không ổn trong cách làm việc của Gates, nhất là khi họ ký thỏa thuận kinh doanh. Gates đòi phải có điều khoản cho phép mình yêu cầu Allen rút lui khỏi Microsoft nếu Gates muốn.

Allen không phải người duy nhất cảm thấy ngột ngạt khi làm việc với Gates. Nhiều cộng sự khác cũng bức xúc với vị doanh nhân trẻ luôn cho mình thông minh hơn người khác. Microsoft từng có lúc suýt tan rã vì lời nói của Gates.

Một lập trình viên bị Gates xúc phạm từng muốn nghỉ việc vì anh ta phải viết chương trình bằng ngôn ngữ lập trình hoàn toàn mới. Để chương trình vận hành ổn thỏa, anh ta phải thử đi thử lại nhiều lần nên mới chậm nộp.

Lúc đó, chính Allen là người thuyết phục Gates xuống nước thuyết phục nhân viên kia ở lại. Nhưng rồi chính Allen cũng dần thấy mình không chịu nổi tính cách của Gates.

Cuối năm 1982, Allen được chẩn đoán mắc ung thư. Trong thời gian ông phải vật lộn chiến đấu với tử thần ở bệnh viện, Gates họp Ban điều hành Microsoft để đánh giá về đóng góp của Allen. Các thành viên đồng ý Allen từng là linh hồn của công ty, nhưng ngày càng sao nhãng công việc.

Cuối cùng, Allen bị đưa ra khỏi Ban điều hành, dù vẫn là cổ đông lớn có chân trong Hội đồng quản trị. Cơn giận của Allen với Gates tiếp tục diễn ra sau đó, khi người bạn chí cốt năm nào ngỏ ý mua lại toàn bộ cổ phần Microsoft mà Allen nắm giữ với giá 5USD/cổ phiếu. Con số đó chỉ bằng một nửa giá thị trường. Allen từ chối bán và từ đó họ gần như không nói gì với nhau nữa.

Bill Gates nói gì về Paul Allen?

Allen chỉ tiết lộ mọi điều ít hay ho nhất về Gates khi ông bị chẩn đoán ung thư lần thứ hai trong đời. Bị Allen công khai chỉ trích, Gates chọn cách im lặng để sự việc sớm trôi qua.

Hai người không nói chuyện với nhau trong khoảng một năm kể từ ngày Allen lên tiếng, sau đó mối quan hệ mới dần được nối lại. Biết bạn mình mắc bệnh hiểm nghèo, Gates dành nhiều thời gian du ngoạn cùng Allen.

Allen mất vào năm 2018. Chia sẻ về mối quan hệ với Allen, Gates nói: "Paul là người bạn đáng quý, một cộng sự thực thụ. Phần mềm ứng dụng cho máy tính cá nhân sẽ không tồn tại nếu như không có ông ấy".

Dù vậy, Gates không thừa nhận hay bác bỏ bất kỳ chi tiết tiêu cực nào về mình từng được Allen đề cập cả.

https://zingnews.vn/goc-khuat-bill-gates-thanh-cong-microsoft-nhung-mat-ban-tri-ky-post1108706.html

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo